Cận thị là một loại tật khúc xạ phổ biến, là nguyên nhân hay gặp nhất gây giảm thị lực. Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội và thói quen sinh hoạt, tỷ lệ cận thị ngày càng gia tăng gây nhiều ảnh hưởng đến chất lượng sống. Theo nhiều nghiên cứu gần đây, tỷ lệ cận thị chiếm từ 25 – 30% dân số, đặc biệt là học sinh thành phố tỷ lệ này cao hơn nhiều.
Bình thường ảnh của sự vật đi qua các hệ thống quang học của mắt rồi được hội tụ đúng trên võng mạc, giúp mắt nhìn rõ được cảnh vật. Cận thị xảy ra khi có sự mất cân đối và hài hòa giữa trục trước sau của mắt (quá dài) và công suất hội tụ của giác mạc (quá yếu) làm cho hình ảnh của vật không được hội tụ nằm trên võng mạc mà bị hội tụ nằm trước võng mạc dẫn đến nhìn mờ.
Hình 1: trên: mắt chính thị, dưới: mắt cận thị.
Có nhiều yếu tố liên quan làm gia tăng nguy cơ bị cận thị, trong đó quan trọng nhất là di truyền, môi trường làm việc và sử dụng mắt. Tật cận thị: nguyên nhân được cho là do mắt phải nhìn gần trong thời gian dài, sử dụng thường xuyên các công nghệ hiện đại, học tập và làm việc dưới ánh sáng nhân tạo… khiến mắt phải điều tiết nhiều, lúc này muốn nhìn rõ phải đưa vật đến gần, những vật ở xa mắt nhìn không rõ ở các mức độ khác nhau tùy theo mức độ cận thị. Tật cận thị tiến triển chậm, ít khi quá -6.00 diop và tỷ lệ biến chứng thấp.
Cận thị bệnh lý (do di truyền) thường xảy ra từ rất sớm ngay khi trẻ còn nhỏ tuổi, cận thị tiến triển nhanh làm thị lực giảm sút nhiều đồng thời trục nhãn cầu bị dài ra làm võng mạc bị giãn mỏng dễ dẫn đến thoái hóa võng mạc, rách hoặc bong võng mạc… Tiên lượng điều trị những biến chứng này kém, khả năng hồi phục thị lực thấp. Độ cận thị bệnh lý từ -6.00 diop trở lên.
Cận thị nếu không được phát hiện và điều chỉnh kịp thời, thị lực kém sẽ làm giảm khả năng học tập, ảnh hưởng tới mặt thể chất (trẻ ngại vận động, chơi thể thao gây ra béo phì hoặc suy dinh dưỡng…), tinh thần (trẻ có cảm giác tự ti, mất tự tin trong giao tiếp với bạn bè), ngoài ra có thể gây nhược thị, đặc biệt khi độ cận thị giữa 2 mắt chênh lệch nhiều gây bất đồng khúc xạ.
Một số dấu hiệu của người bị cận thị:
– Nhìn chung người cận thị không thấy rõ khi nhìn xa, hay tiến tới gần đồ vật để xem như tivi, cúi sát mắt vào sách vở.
Chăm sóc mắt cận thị
– Giảm thời gian nhìn gần, bớt chơi các trò chơi điện tử, vi tính, xem tivi và thời gian đọc truyện.
– Cân đối thời gian học tập với thời gian nghỉ ngơi, hoạt động vui chơi trong không gian thoáng mát để mắt không phải điều tiết. Cứ mỗi 45 – 60 phút học, xem tivi… trẻ cần được nghỉ ngơi, nhìn ra xa khoảng 10-15 phút.
– Bàn học và làm việc phù hợp, nguyên tắc 3 thẳng khi học: đầu thẳng, lưng thẳng, chữ viết thẳng.
– Sách, truyện cần in rõ ràng.
– Ăn uống đủ chất, đặc biệt là rau củ quả màu xanh thẫm hoặc màu đỏ. Ăn đủ thịt, cá, trứng, sữa, …
Trung tâm Mắt 30-4